CÁC BƯỚC THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNING ĐÚNG TIÊU CHUẨN

Thiết kế bài giảng điện tử (E-learning) là một trong những điểm nhấn quan trọng của chuyển đổi số giáo dục. Việc xây dựng bài giảng điện tử gần như trở thành một phong trào tích cực của đội ngũ giáo viên các cấp học trên toàn quốc. Vậy làm thế nào để có thể thiết kế bài giảng E-learning đúng tiêu chuẩn? Đặc biệt, đối với các thí sinh tham dự cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh, làm sao để sản phẩm dự thi của mình thật sự có chất lượng? BTC xin gửi đến các tác giả dự thi bài viết chia sẻ về “Các bước thiết kế bài giảng E-learning đúng tiêu chuẩn” từ thầy giáo Henry Hoàng – CEO & Founder Mario Academy, Admin Cộng đồng GV Công nghệ.

Hiểu đúng về bài giảng E-learning

Bài giảng E-learning là một khái niệm tổng quát, bao gồm mọi hình thức giảng dạy sử dụng công nghệ, trong đó có cả bài giảng qua video, bài giảng văn bản, bài giảng trực tuyến và nhiều loại khác. Với tính chất của một bài giảng điện tử, giáo viên cần hiểu rằng, thiết kế bài giảng E-learning có nghĩa là thầy cô cần tạo ra bài giảng mà học sinh có thể tự học trên các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính…) và có thể tự kiểm tra đánh giá năng lực của mình.

Các bước thiết kế bài giảng E-learning đúng tiêu chuẩn

Để thiết kế được một bài giảng E-learning chuẩn mực, chất lượng tốt và đạt hiệu quả cao, các thầy cô có thể tham khảo những chia sẻ hữu ích từ kinh nghiệm nghiên cứu và thực tế giảng dạy của thầy giáo Henry Hoàng – CEO & Founder Mario Academy, Admin Cộng đồng GV Công nghệ.

Bước 1: Nghiên cứu nội dung bài giảng

Trước khi bắt tay vào triển khai, việc đầu tiên giáo viên cần làm đó là hãy nghiên cứu nội dung bài giảng thật kỹ và trả lời được các câu hỏi như sau : 

  • Bài giảng dạy về nội dung gì?
  • Kết quả học sinh cần đạt được sau khi học xong bài giảng này?
  • Bài giảng có những đơn vị kiến thức ra sao?
  • Có sẵn phần luyện tập chưa hay phải tự thiết kế thêm?

Đây là giai đoạn quan trọng để đặt nền tảng cho quy trình thiết kế bài giảng E-learning, là cách để các thầy cô xác định ý tưởng cốt lõi, kiến thức chủ đạo và mục tiêu cụ thể của bài giảng. Điều này đảm bảo rằng quá trình thiết kế sẽ truyền tải đầy đủ nội dung và thông tin cần thiết, nhằm mục đích cuối cùng là tối ưu hiệu quả học tập của học sinh.

Bước 2: Xây dựng Outline cụ thể

Hãy xây dựng outline cụ thể cho bài giảng giống như việc thầy cô dạy trên lớp. Ví dụ 1 outline của bài giảng E-learning có thể bao gồm:

  • Khởi động (Bằng video hoặc trò chơi giải đố vui…).
  • Giới thiệu chủ đề bài học (giới thiệu trực tiếp hoặc có video dẫn dắt vào chủ đề).
  • Giới thiệu mục tiêu bài giảng và kết quả học sinh cần đạt được.
  • Phần ôn tập kiến thức cũ qua các quiz trả lời nhanh (không bắt buộc).
  • Phần nội dung kiến thức mới (từ vựng, ngữ pháp…). 
  • Phần ôn tập lại kiến thức vừa mới học qua video, quiz, giải đố….(Chú ý với mỗi 1 đơn vị kiến thức nên có 1 phần kiểm tra đánh giá kèm theo).
  • Phần tổng kết những gì học sinh học được qua bài giảng.
  • Phần mở rộng (các bài tập kèm thêm, bài tập về nhà…).
  • Phần kết luận.

Bước 3: Ứng dụng nền tảng Powerpoint để thiết kế bài giảng

Giáo viên có thể tiến hành thiết kế bài giảng bằng cách sử dụng nền tảng Powerpoint để tạo các slide trình chiếu sinh động và bắt mắt, kết hợp với các công cụ hỗ trợ tạo hình ảnh, video như Canva (tạo hình nền, hình minh hoạ, video), CapCut (biên tập video), Simplemind hoặc Imindmap (làm sơ đồ tư duy), các công cụ AI hỗ trợ thiết kế bài giảng e-learning (chuyển văn bản thành giọng nói, làm video MC thuyết minh, video hoạt hình)….Việc kết hợp các công cụ này sẽ giúp quy trình thiết kế bài giảng trở nên thuận tiện và dễ dàng, cũng như tạo ra những nội dung phong phú, sinh động hơn.

Bước 4: Chuyển đổi bài giảng Powerpoint sang bài giảng E-learning 

Nếu bài giảng chỉ dừng lại ở bước thiết kế trên nền tảng Powerpoint thì người học thường không có khả năng tương tác trực tiếp với nội dung hoặc nội dung trình bày theo cách một chiều, giáo viên thường truyền đạt thông tin cho học sinh mà không có sự tương tác đáng kể. Học sinh chỉ là người nghe và xem, hiếm có cơ hội tham gia vào quá trình học tập. Chính vì vậy, sau khi thiết kế bài giảng trên Powerpoint, giáo viên cần chuyển nội dung sang chuẩn E-learning qua các phần mềm thiết kế bài giảng điện tử phổ biến hiện nay như: Spring Suite; Adobe Captivate; Adobe Presenter; Articulate Storyline….

>> Tham khảo tại: 06 phần mềm giúp thiết kế bài giảng E-learning

Bài giảng Powerpoint được chuyển đổi sang chuẩn E-learning sẽ được tổ chức với cấu trúc rõ ràng, có thể chia thành các mô-đun hoặc bài học riêng biệt. Mỗi mô-đun thường bao gồm một loạt các slide liên quan và tương tự nhau về chủ đề hay nội dung cụ thể. Bên cạnh các slide, mỗi mô-đun còn chứa các tài liệu học tập bổ sung và các hoạt động tương tác. Cấu trúc tổ chức này giúp người học dễ dàng điều hướng qua lại giữa các phần khác nhau của bài giảng cũng như tìm kiếm thông tin cụ thể khi cần thiết. Qua đó, học sinh không chỉ là người theo dõi mà còn tham gia vào việc trả lời câu hỏi, thực hiện bài tập, thúc đẩy sự tham gia tích cực từ phía người học, tạo ra mối liên kết mạnh mẽ với nội dung học tập. 

Bước 5: Kiểm tra bài giảng, chỉnh sửa và hoàn thiện 

Cuối cùng, đối với mọi sản phẩm, bao gồm bài giảng trực tuyến, việc kiểm tra, chỉnh sửa và hoàn thiện là bước không thể bỏ qua. Trước khi đăng tải bài giảng lên các nền tảng học tập, việc chạy thử chương trình, thu được đánh giá và nhận xét, cũng như rà soát lỗi trong bài giảng, đều rất quan trọng để đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả tốt nhất của bài giảng.

Việc thiết kế bài giảng E-learning đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng sử dụng công nghệ. Qua mỗi bước, mục tiêu chính là tạo ra một trải nghiệm học tập tích cực, đảm bảo tính tương tác và tối ưu hiệu quả học tập cho học sinh

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp các tác giả có thêm nguồn tư liệu để hoàn thành bài dự thi của mình một cách tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi. Ban Tổ chức rất mong sẽ ngày càng nhận được thêm nhiều các bài giảng E-learning chất lượng, góp phần tạo sự đổi mới trong dạy và học ngoại ngữ.

Hãy nhanh tay gửi bài dự thi về BTC trước 24h00 ngày 15/04/2024 để khẳng định năng lực bản thân và nhận những giải thưởng hấp dẫn.

Chia sẻ

Facebook