Trường học với những giáo viên làm việc hiệu quả đã giúp học sinh có điểm số vượt trội, đưa Việt Nam vào nhóm những nền giáo dục tốt nhất thế giới, theo The Economist.
Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 3.760 USD, thấp hơn so với các nước cùng khu vực là Malaysia và Thái Lan, con cái của các gia đình Việt Nam được thụ hưởng một trong những hệ thống trường học tốt nhất thế giới, theo báo nói trên. Điều này được phản ánh qua các đánh giá quốc tế về khả năng Đọc, Toán và Khoa học của học sinh Việt Nam.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn vượt qua học sinh ở Anh, Canada, những quốc gia giàu hơn gấp 6 lần. Ngay trong nước, điểm số của học sinh không có sự bất bình đẳng giữa giới tính và vùng miền như ở những nơi khác.
Thiên hướng học tập của một đứa trẻ là kết quả của một vài yếu tố, bắt đầu từ gia đình và môi trường mà các em lớn lên. Nhưng điều đó không đủ để giải thích thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam. Bí mật khác biệt nằm ở lớp học: trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
Trong một nghiên cứu năm 2020, phó giáo sư Abhijeet Singh của trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) đã đánh giá năng suất của các trường học ở Việt Nam bằng cách kiểm tra dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau của học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam. Ông thấy trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5 đến 8 có kết quả vượt trội. Thêm một năm học ở Việt Nam giúp tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm phần trăm; trong khi ở Ấn Độ, mức này là 6%.
Nghiên cứu của các chuyên gia ở Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Washington, Mỹ, cho thấy ở 56/87 quốc gia đang phát triển, chất lượng giáo dục đã suy giảm từ những năm 1960. Việt Nam là một trong số ít đi ngược lại xu hướng này.
Lý do lớn nhất là giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn. Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ và Việt Nam cho rằng phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy.
Giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của mình vì họ được quản lý tốt, được đào tạo thường xuyên và được tự do sáng tạo để lớp học hấp dẫn học sinh, theo báo Anh. Để giải quyết sự bất bình đẳng, những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng khó khăn có thêm phụ cấp, nhận thu nhập cao hơn. Quan trọng nhất, việc đánh giá giáo viên dựa trên kết quả học tập của học sinh. Những giáo viên có học sinh giỏi được khen thưởng danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”.
The Economist cũng nhắc tới sự quan tâm của Đảng và Chính phủ với giáo dục khi các chính sách được điều chỉnh để đáp ứng chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Ngân sách địa phương được yêu cầu phải chi 20% cho giáo dục.
Ông Ngo Quang Vinh, từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết việc các gia đình Việt Nam coi trọng giáo dục còn bắt nguồn từ truyền thống hiếu học. Dù không có nhiều điều kiện, phụ huynh vẫn cố gắng cho con học thêm. Ở các thành phố, nhiều người tìm kiếm những trường có giáo viên giỏi để con học.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi chính phủ phải nỗ lực giải quyết. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có nhu cầu ngày càng cao về nhân lực có kỹ năng phức tạp nhưng việc đào tạo sinh viên chưa đáp ứng được. Tăng trưởng kinh tế cũng kéo theo những cuộc di cư đến thành phố, khiến trường học ở các đô thị bị quá tải. Trong khi đó, nhiều giáo viên bỏ việc sang khu vực tư nhân.
Theo Báo Vnexpress