Ở những bài viết trước, các thầy cô giáo và các em sinh viên tham dự cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh (sau đây gọi chung là Tác giả) đã được tìm hiểu về khái niệm và đặc điểm của một bài giảng điện tử (bài giảng e-Learning); tiến trình của một bài dạy học Tiếng Anh thông thường và bài học Tiếng Anh qua dự án học tập. Trong khuôn khổ bài viết này, các Tác giả sẽ tiếp tục tìm hiểu về nguồn học liệu và hợp phần bổ trợ của bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success cũng như cách khai thác các tài nguyên này để phục vụ cho công tác biên soạn bài giảng E-learning.
Bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ lớp 1 – 12 có một nguồn học liệu phong phú, đa dạng và đồng bộ, cụ thể:
Cấp học | Nguồn học liệu |
Tiểu học | Kế hoạch dạy học, Giáo án minh hoạ, Bài giảng điện tử, Audio, Video hoạt hình, Video hướng dẫn phát âm, Video bài học, Thẻ từ, Bộ quân rối, Bộ tranh tình huống, Tài nguyên mở rộng, Test bank, Sách giáo viên, Tài liệu tập huấn, Video tiết dạy minh hoạ… |
THCS & THPT | Kế hoạch dạy học, Giáo án minh hoạ, Bài giảng điện tử, Audio, Video hướng dẫn phát âm, Video bài học, Tài nguyên mở rộng, Test bank, Sách giáo viên, Tài liệu tập huấn, Video tiết dạy minh hoạ… |
Tất cả nguồn học liệu này được đăng tải trên website hoclieu.vn và tác giả chỉ cần đăng kí tạo một tài khoản là có thể được truy cập miễn phí, sử dụng trực tiếp hoặc tải về để sử dụng gián tiếp.
Trước khi thực hiện lên kế hoạch cho bài giảng của mình, lựa chọn các phương pháp, các hoạt động dạy học, tài liệu bổ trợ, các Tác giả có thể nghiên cứu Sách giáo viên để tham khảo các hướng dẫn và gợi ý cách khai thác các bài học trong Sách học sinh để đạt kết quả học tập cao nhất.
Từng đơn vị bài học trong sách giáo viên sẽ có:
(1) Mục tiêu chung của cả Unit, mục tiêu của từng bài học và từng hoạt động cụ thể;
(2) Hướng dẫn chi tiết các bước lên lớp của từng hoạt động;
(3) Audio scripts của các phần nghe và đáp án cho tất cả các hoạt động trong sách học sinh;
(4) Câu trả lời mẫu (suggested answer) cho các hoạt động Nói, Viết (đối với cả 3 cấp), sau Đọc và sau Nghe (đối với cấp THCS và THPT), Everyday English và Culture & CLIL (đối với cấp THPT).
Sau khi nghiên cứu sách giáo viên, các Tác giả có thể tiếp tục khai thác và sử dụng các nguồn học liệu khác để hoàn thiện việc xây dựng bài giảng của mình với gợi ý đi theo các phần của bài giảng như sau:
Phần 1: Giới thiệu
– Dẫn nhập vào chủ đề bài giảng: Với hệ thống các games (trò chơi) và kho hình ảnh, videos được thiết kế cho từng bài học trên hệ thống sách mềm 2.0 trên hoclieu.vn, tác giả có thể sử dụng để làm công cụ dẫn nhập và giới thiệu vào chủ đề bài giảng, thu hút sự chú ý của học sinh và tạo không khí sôi động ngay đầu giờ. Ngoài ra, trong hệ thống slide powerpoint và kế hoạch bài học của từng bài, tác giả được cung cấp nhiều hoạt động và trò chơi thú vị cho phần lead-in/ warm-up.
– Trình bày mục tiêu và nội dung chính của bài giảng: Các mục tiêu của bài giảng và qui trình tiến hành giờ học được trình bày rất cụ thể trong phần Objectives, Introduction & Warm-up của từng đơn vị bài học ở trong Sách giáo viên. Hoặc tác giả có thể tham khảo phần mục tiêu và sơ đồ minh hoạ tiến trình giờ học trong Bài giảng điện tử (slides); các mục tiêu được trình bày theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm mục tiêu về kiến thức, kĩ năng và phẩm chất thái độ trong Giáo án minh hoạ ở kho hợp phần bổ trợ để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của địa phương, bối cảnh và thực tế giảng dạy của mình.
Phần 2: Nội dung chính của bài giảng
Với Giáo án minh hoạ hay Bài giảng điện tử (slides), giáo viên sẽ được gợi ý quy trình triển khai cụ thể các hoạt động trong một bài học (lesson). Mỗi bài soạn được thiết kế chi tiết cho từng hoạt động cho mỗi giờ lên lớp, bao gồm mục tiêu hoạt động, nội dung dạy học, các bước lên lớp cụ thể kèm thời gian, gợi ý các đồ dùng thiết bị cần sử dụng hay các trò chơi, bài tập tương tác và cách thức đánh giá kết quả học tập sau mỗi hoạt động.
Dựa vào tài nguyên đó, tác giả có thể tham khảo phương pháp và đường hướng tiếp cận để truyền đạt nội dung chính của bài giảng. Hầu hết các giáo án và slides trên hệ thống hoclieu.vn đều được phát triển theo hướng GIPO (Goals– Input – Procedure – Outcome) dành cho cấp Tiểu học hoặc PPP (Presentation – Practice – Production) dành cho cấp phổ thông.
Đặc biệt với hệ thống các dự án (projects), Sách giáo viên gợi ý các bước tiến hành cụ thể để tác giả có thể thực hiện theo hướng PBL (project – based learning) với các nội dung cụ thể cho phần chuẩn bị, lên khung thời gian ở cuối bài Getting started (Lesson 1) và cách thực hiện, trình bày, hay thang chấm điểm và nhận xét ở bài Looking back and Project.
Bên cạnh đó, hệ thống video hướng dẫn phát âm, video hoạt hình, songs, chants trên kênh Youtube Tiếng Anh Global Success cũng là nguồn tham khảo rất phong phú cho bài giảng của các Tác giả.
Ngoài ra tác giả cũng có thể tham khảo sử dụng các nội dung có trong Sách mềm 2.0 trên hoclieu.vn để giảng dạy trực tiếp các nội dung trong Sách học sinh. Trên Sách mềm 2.0, toàn bộ nội dung sách học sinh được chuyển thể thành phần mềm sách điện tử tương tác, tích hợp hình ảnh, hình ảnh động, âm thanh, video, hoạt động tương tác, trò chơi học tập, công nghệ nhận diện giọng nói, chấm điểm tự động… rất thuận tiện cho tác giả sử dụng khi xây dựng bài giảng điện tử.
Hi vọng với nguồn học liệu sẵn có, đa dạng và chuẩn mực này, các Tác giả có thể tham khảo và sử dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch dạy hoc và thực hiện bài giảng điện tử của mình một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các Tác giả lưu ý, Ban giám khảo sẽ đánh giá rất cao những bài thi có sự sáng tạo và thể hiện nét độc đáo riêng của tác giả. Vì vậy, các tác giả hãy phát huy và thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình một cách hợp lý nhé.
Chúc các tác giả thành công!