HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI GIỜ HỌC TIẾNG ANH QUA DỰ ÁN

Dạy học tiếng Anh qua dự án được coi là một cách lý tưởng để khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập và phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tế. 

Các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng, việc áp dụng phương pháp này giúp học sinh phát triển kỹ năng ngôn ngữ toàn diện, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, khuyến khích sự sáng tạo, giải quyết vấn đề và tư duy độc lập của học sinh. Quá trình học tập qua các dự án không chỉ giúp học sinh đào sâu kiến thức mà còn giúp các em vận dụng vào thực tế và thúc đẩy sự hứng thú đối với môn học. 

Cùng tìm hiểu chi tiết cách triển khai giờ học tiếng Anh qua dự án trong bài viết này để những bài giảng điện tử Tiếng Anh – những sản phẩm dự thi trong cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh đáp ứng các yêu cầu chuyên môn và đảm bảo chất lượng nhé.

Dạy học tiếng Anh qua dự án là gì? 

Dạy học tiếng Anh qua dự án yêu cầu học sinh tích cực tham gia vào các dự án thực tế và mang ý nghĩa cho bản thân, bạn bè, gia đình và xã hội. Các dự án có thể đa dạng, từ những nhiệm vụ đơn giản như làm một poster giới thiệu về ngôi trường, hướng dẫn về một bữa ăn dinh dưỡng, bài trình bày về lối sống tích cực bảo vệ sức khỏe…, đến những nhiệm vụ phức tạp hơn như sáng tạo các áp phích cho chương trình bảo vệ môi trường, khảo sát về sở thích giữa các thế hệ trong gia đình, hoặc tạo một video giới thiệu về các nước ASEAN hay các địa danh ở địa phương… Các dự án này mang đến cơ hội sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, truyền tải thông điệp ý nghĩa và tạo ra các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. 

Những yêu cầu cần có khi triển khai giờ học tiếng Anh qua dự án

Dạy học tiếng Anh qua dự án đặt ra một số yêu cầu quan trọng như sau:

  1. Yêu cầu về sản phẩm dự án rõ ràng 

Học sinh cần biết mục tiêu của dự án là tạo ra sản phẩm gì. Sản phẩm có thể là một áp phích quảng cáo, một video, một vở kịch, một trang báo hay một phiếu khảo sát. Yêu cầu về sản phẩm càng chi tiết và cụ thể thì sản phẩm thu được càng có chất lượng cao. Giáo viên và học sinh cần thảo luận về sản phẩm này sớm, ngay sau tiết học đầu tiên của mỗi một đơn vị bài học. 

  1. Thống nhất mục tiêu của dự án với mục tiêu của đơn vị bài học

Với các dự án học tiếng Anh, mục tiêu của dự án cần phù hợp và thống nhất với mục tiêu chung của đơn vị bài học trong sách giáo khoa. Mục tiêu thường gồm mục tiêu về nội dung,  ngôn ngữ và các năng lực chung. Các tiêu chí đánh giá sản phẩm nên dựa trên mục tiêu này, giúp học sinh dễ hiểu và hình dung được yêu cầu cụ thể về một sản phẩm dự án đạt chất lượng tốt. Giáo viên dựa vào đó sẽ đưa ra các nhận xét tích cực hướng đến sự tiến bộ của học sinh, đặc biệt chú trọng đến tạo điều kiện để hình thành và khuyến khích sự phát triển các năng lực chung và phẩm chất cần đạt cho học sinh qua hoạt động dự án.

  1. Các sản phẩm của dự án cần có ý nghĩa, có ích và phù hợp với điều kiện thực tế 

Sản phẩm của dự án cần mang lại động lực và hứng thú cho học sinh, phản ánh ý nghĩa với cuộc sống cá nhân và xã hội. Sản phẩm của dự án cần xác định sẽ hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể.  Khi lựa chọn sản phẩm của dự án,  lưu ý tới nội dung chủ đề và hình thức thể hiện. Nội dung chủ đề là những gì gần gũi với cuộc sống của học sinh như âm nhạc, nghệ thuật, phong tục tập quán ở địa phương, những người nổi tiếng, bảo vệ môi trường. Hình thức thể hiện là sản phẩm như áp phích, tập sách nhỏ, tạp chí, bảng thông báo, video, bài thuyết trình, vở kịch, trò chơi.

  1. Các bước triển khai được cụ thể hóa theo các mốc thời gian

Quy trình triển khai dự án cần được xác định rõ ràng và theo các mốc thời gian cụ thể. Cách tiếp cận từng bước và chia nhỏ công việc giúp học sinh dành thời gian và công sức hiệu quả hơn, đồng thời giúp giáo viên kiểm tra và theo sát quá trình thực hiện.

  1. Tích hợp liên môn và phát triển kỹ năng thế kỉ 21. 

Dự án tích hợp liên môn giúp học sinh sử dụng kiến thức đã được học ở các môn học khác làm chất liệu cho nội dung của sản phẩm. Các hoạt động dự án thực hiện theo nhóm, yêu cầu giải quyết vấn đề của thực tiễn sẽ giúp phát triển kỹ năng tư duy phản biện, cộng tác và khuyến khích sự sáng tạo, sự tự chủ và thúc đẩy sự chia sẻ trách nhiệm của học sinh. 

  1. Dạy học tiếng Anh qua dự án cho phép học sinh chủ động đưa ra ý kiến, lựa chọn nội dung và ngôn ngữ  

Học sinh cần có quyền được lựa chọn về nội dung cho sản phẩm của mình. Nếu các em làm video giới thiệu về địa điểm du lịch cho kỳ nghỉ hè, hãy để các em tự quyết về địa điểm, các em được lựa chọn các thông tin mình quan tâm nhất. Bằng cách này, học sinh sẽ luôn cảm thấy chủ động, hứng thú và tham gia tích cực vào dự án. 

Dạy học tiếng Anh qua dự án gồm những bước gì? 

Dạy học tiếng Anh qua dự án thường được tiến hành theo 05 bước sau đây:

Bước 1: Giới thiệu về dự án.

Giáo viên giới thiệu về dự án và thảo luận chi tiết với học sinh về mục tiêu, sản phẩm của dự án, tiêu chí đánh giá. Ở bước này, giáo viên cũng tiến hành phân nhóm học sinh. Phần giới thiệu về dự án có thể thực hiện sớm, ngay từ những tiết đầu tiên của Unit để học sinh có nhiều thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án. 

Bước 2: Thực hiện dự án.

Học sinh cộng tác trong nhóm và thực hiện các bước dự án theo hướng dẫn của giáo viên. Trong quá trình này, với vai trò là người thúc đẩy, hỗ trợ, giáo viên có thể giúp học sinh tích lũy thêm các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Kết thúc bước này, học sinh hoàn thiện sản phẩm của dự án. Ở bước này, học sinh có thể thực hiện ngoài giờ học dưới sự hướng dẫn của giáo viên và mang sản phẩm tới lớp để luyện tập và trình bày. 

Bước 3: Luyện tập trình bày sản phẩm của dự án.

Học sinh chuẩn bị và luyện tập giới thiệu kết quả của dự án bằng tiếng Anh. Giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ, quan sát và hướng dẫn. Giáo viên có thể hỗ trợ thêm về ngôn ngữ và cách thể hiện để học sinh trình bày sản phẩm của dự án một cách hiệu quả. Kết thúc bước này, học sinh sẵn sàng trình bày sản phẩm dự án theo các yêu cầu về đánh giá đã được thảo luận ở bước 1. 

Bước 4: Trình bày sản phẩm dự án. 

Học sinh trình bày sản phẩm của dự án trên lớp hoặc cho nhóm đối tượng người nghe của dự án. Đối tượng người nghe có thể là các bạn cùng lớp, các bạn cùng khối, cùng trường, phụ huynh, hoặc nhóm đối tượng mục tiêu mà dự án hướng tới. 

Bước 5: Đánh giá và suy ngẫm. 

Học sinh và giáo viên đánh giá quá trình thực hiện và sản phẩm của dự án. Đánh giá có thể gồm học sinh tự đánh giá, đánh giá theo nhóm và đánh giá của giáo viên. Nếu dự án có tác động tới cộng đồng, có thể thu thập ý kiến phản hồi của người nghe. 

Trong xu hướng giáo dục coi trọng việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học như hiện nay, triển khai tích cực dạy học dự án là một nhu cầu thiết yếu và mang lại giá trị lớn trong công cuộc đổi mới giáo dục. Hãy nâng cấp bản thân để trở thành những giáo viên high-tech, thay đổi phương pháp dạy và học theo tiêu chuẩn mới và đón nhận những thành quả bất ngờ mà dạy học dự án sẽ mang lại.

Chia sẻ

Facebook