NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ CUỘC THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ TIẾNG ANH [PHẦN 2]

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh chính thức đóng cổng tiếp nhận sản phẩm dự thi. Tiếp nối phần giải đáp trước, BTC cuộc thi tiếp tục tổng hợp và giải đáp những thắc mắc của thí sinh trong quá trình tham gia cuộc thi ở bài viết dưới đây. Hãy cùng theo dõi nhé!

Sản phẩm dự thi

1. Tôi căn cứ trên văn bản nào để thiết kế sản phẩm dự thi? Có phải bám sát format kế hoạch bài dạy trong văn bản đó không?

– Sản phẩm dự thi được thiết kế dựa theo quy định về xây dựng kế hoạch bài dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm hướng dẫn của Công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/06/2021 (đối với cấp Tiểu học) và Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 (đối với cấp Trung học) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Các công văn kể trên cũng yêu cầu giáo viên tham khảo hình thức và linh hoạt khi vận dụng. Do đó bạn không cần bám sát theo định dạng gợi ý mà chỉ cần lưu ý có đủ một số nội dung cơ bản được nêu ra trong văn bản hướng dẫn khi xây dựng các sản phẩm dự thi.

2. Sản phẩm dự thi là bài giảng e-learning và bài giảng video cần đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nào?

– Đối với sản phẩm dự thi là bài giảng e-learning: yêu cầu đóng gói hoàn chỉnh theo chuẩn (xAPI hoặc SCORM), xuất bản dưới dạng web (HTML5) để bài giảng có thể đọc được trong các phần mềm LMS trên trình duyệt của máy tính và các thiết bị di động.

Lưu ý: Bạn không tạo file nén một cách thủ công để nộp bài, không dùng phần mềm nén để nén cả thư mục hay một tập hợp file của bài dự thi. File nén cần được tạo ra bởi phần mềm soạn bài giảng điện tử (authoring tools), đảm bảo có thể xem được trực tiếp trên các hệ thống LMS.

– Đối với sản phẩm dự thi là bài giảng video: yêu cầu xuất bản theo định dạng mp4 (H.264 – định dạng phổ biến cho video YouTube).

3. Thực hiện bài giảng E-learning thì cần xuất qua các phần mềm E-learning chứ không được xuất dưới dạng powerpoint đúng không?

Đối với Sản phẩm dự thi là Bài giảng E-learning tác giả cần dùng các phần mềm soạn giảng E-learning để xuất, không thể xuất dưới dạng Powerpoint vì hệ thống sẽ không chấp nhận.

4. Tại sao không thể nộp file baigiang.zip lên mà bị báo lỗi?

Lưu ý đối với đóng gói SẢN PHẨM DỰ THI là BÀI GIẢNG E-LEARNING: File nén bắt buộc phải xuất dưới dạng web (HTLM5).

Các tệp baigiang.zip nén không hợp lệ, bị báo lỗi khi:

– Nén file Powerpoint hoặc file video thành file zip để nộp định dạng E-learning (Cần phân biệt giữa Powerpoint và E-learning).

– Không tìm thấy file index.html hoặc index.htm khi giải nén + Tệp baigiang.zip chứa các file nguy hiểm … (danh sách các file chứa virut).

Hệ thống sẽ có email thông báo tác giả nộp lại bài dự thi đúng quy cách đóng gói sản phẩm dự thi. Vui lòng kiểm tra email thường xuyên để kịp thời bổ sung sản phẩm dự thi của mình.

5. Tại sao file lỗi up lên mà không thể up lại được ngay?

Quy định về việc upload file lỗi/ sửa file/ xóa file như sau:

– Sau khi upload file lên hệ thống, hệ thống sẽ tự động check file đã nộp, trong trường hợp file bị lỗi thì hệ thống sẽ gửi mail thông báo đến email người nộp và người nộp có thể nộp lại file ngay khi nhận được mail, hệ thống cho phép nộp lại tối đa 3 lần.

– Với mỗi đề bài, hệ thống cho phép upload file thành công tối đa 3 lần/1 file – không tính trường hợp file upload bị lỗi. Khoảng cách thời gian giữa các lần upload lại file lỗi/ sửa file/ xóa file là 8 tiếng để cho lần upload file tiếp theo.

6. Cấu trúc của sản phẩm dự thi bao gồm những gì?

Sản phẩm dự thi gồm 02 phần:

– Phần mô tả thông tin sản phẩm dự thi, gồm các thông tin về: tác giả, tên bài, loại bài, mô tả tóm tắt, liệt kê nguồn tham khảo, cam kết bản quyền và sở hữu trí tuệ;

– Phần nội dung sản phẩm dự thi, gồm các file thành phẩm: bài giảng e-learning/ video, kế hoạch bài dạy, slide bài giảng (nếu có). Phần này không được chứa thông tin tác giả và thông tin liên hệ.

Cấu trúc nội dung của sản phẩm dự thi sẽ do tác giả tự quyết định. Bạn có thể tham khảo câu hỏi về căn cứ thiết kế sản phẩm dự thi để thực hiện.

7. Slide đầu tiên trong sản phẩm dự thi cần ghi những thông tin cá nhân gì?

Nội dung sản phẩm dự thi KHÔNG được chứa thông tin tác giả và thông tin liên hệ, mà chỉ gồm các file thành phẩm: bài giảng e-learning/ video, kế hoạch bài dạy, slide bài giảng (nếu có). Các thông tin mô tả về sản phẩm bao gồm thông tin tác giả, tên bài thi, loại bài, cam kết sở hữu trí tuệ… được tác giả khai trên mẫu có sẵn do hệ thống cung cấp khi nộp bài và được hệ thống tự động ghi nhận.

8. Tôi có cần làm slide giới thiệu mục tiêu chi tiết của bài dạy không?

Bạn chỉ cần nêu rõ mục tiêu của bài dạy trong file Kế hoạch bài dạy nộp kèm. Không cần thiết phải làm slide giới thiệu riêng về mục tiêu bài dạy, trừ khi bạn chủ đích giới thiệu hoặc giải thích nội dung này cho học sinh để phục vụ bài dạy.

9. Tiêu chí chấm bài dự thi là gì?

Sản phẩm dự thi sẽ được BGK chấm điểm dựa trên các tiêu chí kết hợp về chuyên môn và công nghệ. Mời bạn theo dõi bài viết về tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi cuộc thi tại bài viết: 

https://giaoviensangtao.edu.vn/cuocthi/tin-tuc-su-kien/tieu-chi-danh-gia-san-pham-du-thi-cuoc-thi-thiet-ke-bai-giang-dien-tu-tieng-anh-30.html.

10. “Sản phẩm dự thi là bài giảng Tiếng Anh qua dự án học tập: được thiết kế cho một phần hoặc toàn bộ một tiết học Tiếng Anh qua dự án học tập” nghĩa là thế nào?

Nếu lựa chọn bài giảng Tiếng Anh qua dự án, bạn cần lưu ý: SGK Tiếng Anh Global Success thiết kế dự án học tập là một phần trong tiết học. Bạn có thể lựa chọn thiết kế dự án cho một phần trong tiết học đó như sách gợi ý, hoặc điều chỉnh và thiết kế toàn bộ một tiết học theo dự án. Bạn cũng có thể đưa vào một dự án mới, không có trong SGK Global Success nhưng cùng chủ đề với Unit bạn chọn để tham dự thi. Ở phần thuyết minh, giới thiệu về sản phẩm, bạn có thể nói rõ mình đi theo hướng nào.

11. Tôi có thiết kế bài giảng qua dự án theo các chủ đề khác thì có được nộp bài dự thi không?

Nếu bạn sử dụng các dự án đã được thiết kế trước đây, bạn hãy đảm bảo rằng dự án đó đúng với chủ đề mà bạn nhận được trong cuộc thi này.

12. Tiết học của tôi có cần học sinh tham gia không? Học sinh có được trả lời câu hỏi không?

Một trong những mục đích của cuộc thi là nhằm xây dựng hệ thống học liệu dùng chung gồm các bài giảng điện tử để hỗ trợ giáo viên tham khảo chuyên môn và hỗ trợ học sinh tự học ở nhà. Do vậy, bài giảng cần phải đảm bảo yếu tố học sinh có thể tự học và tương tác được với bài giảng (tương tác ở mức độ đơn giản, ví dụ: GV hỏi và để thời gian cho HS trả lời, GV giả định tương tác, khen ngợi…).

Vì thế, việc có đưa học sinh tham gia bài giảng của mình trong quá trình ghi hình/thực hiện hay không là do bạn quyết định. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, nếu đưa học sinh vào các bài giảng, các em sẽ có vai trò hỗ trợ, “làm mẫu” để học sinh sau này khi học theo bài giảng của bạn có thể biết cách thực hành theo. Tránh tình trạng bài giảng như một video quay lại một giờ học “đóng kín” mà không có yếu tố tương tác sau này với những học sinh muốn học theo bài giảng của bạn.

13. Tôi có một ngân hàng bài giảng tích lũy được trong quá trình dạy học, tôi có được gửi hết để dự thi không?

Sau khi đăng kí nhận đề thi, bạn sẽ được BTC cung cấp ngẫu nhiên 05 đề bài theo khối lớp đã chọn. Sản phẩm dự thi phải được thiết kế theo đề bài được cung cấp. Những bài giảng không thuộc danh sách đề bài của bạn đều không hợp lệ.

14. Chúng tôi có được tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong trường hoặc cụm trường để cùng thực hiện bài dạy không?

Bạn hoàn toàn có thể tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường/cụm trường về chuyên đề thiết kế bài giảng điện tử để tham dự cuộc thi này, đặc biệt khi bạn tham gia với tư cách nhóm tác giả. Tuy nhiên, đối với hình thức thi cá nhân, BTC khuyến khích bạn tham khảo chuyên môn từ đồng nghiệp để sản phẩm đạt được kết quả cao nhất.

15. Tôi có thể soạn bài dạy ít hơn thời gian 25 phút cho tiểu học hoặc ít hơn 35 phút cho trung học không? Nếu quá thời gian có bị trừ điểm không?

Thời lượng của bài giảng điện tử dự thi dài tối đa 25 phút đối với tiểu học và tối đa 35 phút đối với trung học. Nghĩa là sản phẩm dự thi có thể ít hơn thời lượng nêu trên. Nếu quá thời gian thì sẽ bị trừ điểm.

16. Tôi có thể sử dụng zoom quay video dạy học rồi gửi bài dự thi được không?

Bạn có thể quay video dạy học trên nền tảng Zoom làm sản phẩm dự thi. Tuy nhiên, bài giảng cần tuân thủ theo một kế hoạch dạy học chi tiết với các mục tiêu học tập cụ thể, có lồng ghép các hoạt động tương tác, tránh tình trạng video kéo dài lê thê mà không đạt được hiệu quả dạy và học.

17. Bài giảng có bắt buộc phải trình bày bằng tiếng Anh hoàn toàn không, hay có thể dùng song ngữ?

Bạn có thể dùng tiếng Việt đan xen với tiếng Anh trong bài dạy của mình để phù hợp với trình độ học sinh cũng như điều kiện thực tế, đảm bảo mục tiêu của bài dạy và hiệu quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, tiếng Việt nên được sử dụng ở mức độ phù hợp và ở những tình huống cần thiết.

18. Với bài giảng e-learning, rất khó để thực hành team work hay pair work khi thiết kế bài giảng. Làm thế nào để thể hiện những hoạt động này trong sản phẩm dự thi?

Nếu bài giảng của bạn bao gồm hoạt động team work hay pair work, các hoạt động này cần được thể hiện cụ thể trong Kế hoạch bài dạy. Còn trong bài giảng e-learning, bạn chỉ cần giới thiệu hoạt động và đưa ra các hướng dẫn để người xem hiểu rằng bạn đang thực hiện các hoạt động này.

19. Giáo viên có được xuất hiện trong bài giảng không?

Giáo viên được khuyến khích xuất hiện trong bài giảng để nâng cao tính tương tác với người học.

20. Tôi có thế lên kế hoạch để học sinh chuẩn bị trước sản phẩm và nội dung không?

Bạn có thể lên kế hoạch để học sinh chuẩn bị trước sản phẩm và nội dung của bài học.

Tài liệu tham khảo

21. Tôi có thể tìm kiếm tài liệu liên quan đến bộ SGK Tiếng Anh Global Success ở đâu?

Bạn có thể tìm kiếm tài liệu liên quan đến bộ SGK Tiếng Anh Global Success ở trang web gs.hoclieu.vnhoclieu.vn.

22. Tôi có thể sử dụng học liệu từ sách giáo khoa của NXB khác để soạn bài không?

Sản phẩm dự thi là bài giảng Tiếng Anh được thiết kế cho một tiết học theo SGK Tiếng Anh Global Success, hoặc bài giảng Tiếng Anh thông qua dự án học tập dựa theo các chủ đề trong bộ SGK Tiếng Anh Global Success của NXBGDVN. Trong quá trình soạn bài, giáo viên có thể tham khảo hình thức thiết kế các hoạt động của các tài liệu khác (bao gồm SGK khác), tuy nhiên việc sử dụng học liệu của SGK khác đưa vào bài giảng là vi phạm bản quyền và không hợp lệ.

23. Các tài liệu hỗ trợ giảng dạy cho bộ SGK Tiếng Anh Global Success trên hệ thống hoclieu.vn đều không được sao chép, tải về. Vậy tôi có thể sử dụng trong bài dạy như thế nào?

Một số tài liệu hỗ trợ bộ SGK Tiếng Anh Success trên hệ thống hoclieu.vn có thể sao chép hoặc tải về được. Đối với những tài liệu không thể tải về, tác giả có thể mở trực tiếp trên hệ thống để phục vụ bài dạy của mình.

24. Chúng tôi có thể tham khảo sử dụng những phần mềm soạn bài giảng điện tử, tạo video bài giảng nào?

Bạn có thể dùng bất kỳ công cụ phần mềm nào để làm ra bài giảng điện tử và bài giảng video. Bạn hãy kết hợp nhiều công cụ để tạo từng phần nội dung của sản phẩm như text, slide, hình ảnh, âm thanh, video. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn nhưng không giới hạn bạn chỉ được sử dụng trong số này:

  • Các phần mềm soạn bài giảng điện tử phổ biến: Adobe Presenter, Articulate (Storyline, Rise), Adobe Captivate, Camtasia, Adobe Director, iSpring, Avina, lecture maker, Powerpoint,…
  • Các phần mềm tạo video phổ biến (ghép, dựng, lồng âm thanh, tạo hiệu ứng, xuất, nén): Canva, Cap Cut, iMovie, Movie Maker, Filmora, Apple Final Cut, Adobe Premiere, MS PowerPoint,… Phần mềm cắt video phổ biến và miễn phí: AVI Demux, ffmpeg.
  • Các phần mềm quay chụp màn hình phổ biến: OBS Studio, Camtasia Studio, Window Xbox Game Bar,…
  • Các phần mềm ghi âm và biên tập âm thanh phổ biến: Audacity,…
  • Các phần mềm soạn slide phổ biến: MS PowerPoint, Google Slide.
  • Có thể sử dụng luôn bài giảng tương tác phiên bản Sách Mềm 2.0 trong hoclieu.vn, kết hợp với các công cụ quay chụp màn hình để tạo thành nguyên liệu cho bài giảng video.

Thủ thuật: Tìm kiếm thêm công cụ khác trên Internet; tìm kiếm cách sử dụng các công cụ nói trên bằng Internet; sử dụng máy tính kết hợp điện thoại.

25. Nếu chèn link bài tập từ trang hoclieu.vn vào bài elearning, khi học sinh làm các em phải đăng nhập tài khoản vào trang hoclieu. Như vậy có bất tiện không?

Nếu học sinh đã có tài khoản trên hoclieu.vn thì việc đăng nhập sử dụng dễ dàng và không bất tiện.

26. Bài giảng của tôi có sử dụng ngữ liệu của hệ thống hợp phần bổ trợ trên hoclieu.vn thì có vi phạm bản quyền không?

Không. Người dự thi được quyền sử dụng tài liệu tham khảo và ngữ liệu để đưa vào sản phẩm dự thi từ nguồn học liệu điện tử hỗ trợ giảng dạy theo bộ SGK Tiếng Anh Global Success có trên:

Trang web: gs.hoclieu.vn, hoclieu.vn

Kênh youtube: https://www.youtube.com/@TiengAnhGlobalSuccess

27. Tôi có thể sử dụng tài nguyên từ các website, các nguồn tài liệu tham khảo nào để đưa vào sản phẩm dự thi mà tránh được việc vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ?

Bạn có thể sử dụng tài liệu tham khảo và ngữ liệu để đưa vào sản phẩm dự thi từ:

– Sách học sinh, sách giáo viên, sách bài tập của bộ SGK Tiếng Anh Global Success.

– Học liệu điện tử hỗ trợ giảng dạy theo bộ SGK Tiếng Anh Global Success có trên:

Trang web: gs.hoclieu.vn, hoclieu.vn

Kênh youtube: https://www.youtube.com/@TiengAnhGlobalSuccess

Bạn chỉ nên sử dụng các tài nguyên có bản quyền mở, tức là các tài nguyên được tác giả cho phép sử dụng miễn phí và không yêu cầu bất kỳ điều kiện nào. Bạn có thể tìm kiếm các tài nguyên này:

– Trên các trang web chuyên cung cấp như Creative Commons, Wikimedia Commons, Pixabay, Unsplash, v.v…

– Hoặc dùng google để tìm kiếm hình ảnh có Giấy phép Creative Commons.

Nếu bạn muốn sử dụng các tài nguyên có bản quyền hạn chế, tức là các tài nguyên được tác giả cho phép sử dụng với một số điều kiện nhất định, bạn cần tuân thủ các điều kiện đó một cách nghiêm túc. Ví dụ, bạn cần ghi rõ nguồn gốc, tên tác giả, giấy phép sử dụng, không sửa đổi hay thương mại hóa tài nguyên,… Bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại giấy phép bản quyền hạn chế tại đây.

Nếu bạn muốn sử dụng các tài nguyên có bản quyền độc quyền, tức là các tài nguyên chỉ được tác giả hoặc người được ủy quyền sử dụng, bạn cần xin phép của họ bằng văn bản, chẳng hạn như dưới dạng thỏa thuận cấp phép. Bạn cũng cần trả phí sử dụng nếu có yêu cầu. Bạn không nên sao chép, quay lại, phát tán hay sử dụng các tài nguyên này mà không có sự đồng ý của chủ bản quyền, vì đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

28. Tôi có thể tham khảo bài giảng e-learning ở đâu?

Bạn có thể tham khảo các bài giảng e-learning đạt giải trong Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở link sau: https://giaoviensangtao.edu.vn/cuocthi/tin-tuc-su-kien/tham-khao-bai-giang-e-learning-dat-giai-cuoc-thi-thiet-ke-bai-giang-dien-tu-nam-2021-cua-bo-gd-dt-39.html.

Xin lưu ý, đây chỉ là sản phẩm tham khảo, không phải là bài giảng mẫu của cuộc thi này.

Chia sẻ

Facebook