NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN MỘT BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ XUẤT SẮC

Có thể thấy, cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh đã thu hút sự tham gia đông đảo của các thí sinh đến từ khắp mọi miền tổ quốc. Ban giám khảo cuộc thi đã nhận về hàng nghìn sản phẩm đại diện cho sự sáng tạo và tài năng của các thí sinh. Để thiết kế nên một bài giảng điện tử chất lượng các thí sinh đã phải đầu tư nhiều thời gian và công sức vào việc nghiên cứu tài liệu, chọn lựa nội dung phù hợp và áp dụng những công nghệ tiên tiến trong bài giảng của mình. Vậy những yếu tố nào thực sự làm nên một bài giảng điện tử xuất sắc? Hãy cùng tìm hiểu qua những chia sẻ quý giá của Ban giám khảo cuộc thi.

NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN MỘT BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ XUẤT SẮC

Một bài giảng điện tử chất lượng không chỉ giúp truyền tải kiến thức một cách hiệu quả mà còn khơi dậy sự hứng thú và động lực học tập của người học. Yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên một bài giảng điện tử xuất sắc đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung, phương pháp dạy-học-đánh giá và công nghệ. 

Nội dung bài giảng bám sát mục tiêu học tập

Trước khi thiết kế bài giảng giáo viên cần xác định rõ mục tiêu học tập cho bài giảng. Điều này giúp giáo viên định hình được những gì cần truyền đạt trong bài giảng nhằm lập kế hoạch giảng dạy phù hợp và chọn lựa phương pháp giảng dạy hiệu quả đồng thời nhận diện được nhu cầu và khả năng của từng học sinh, từ đó có thể điều chỉnh bài giảng và phương pháp dạy học để phù hợp hơn với từng đối tượng. Để bài giảng điện tử đạt được mục tiêu giáo dục và phù hợp với nhu cầu của đối tượng học sinh khác nhau, giáo viên cần:

  • Xác định mục tiêu bài giảng theo các nhóm kiến thức, kỹ năng, năng lực chung và thái độ, phẩm chất người học. Giáo viên có thể tham khảo các mục tiêu cơ bản trong sách giáo viên, giáo án, bài trình chiếu,…trên hệ sinh thái học liệu số hoclieu.vn. Dựa trên các mục tiêu căn bản đó, giáo viên có thể điều chỉnh và mở rộng mục tiêu để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm nhận thức của đối tượng học sinh mà bài giảng hướng đến.
  • Để bài giảng đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng học sinh khác nhau, giáo viên có thể chia các đối tượng học sinh thành hai nhóm chính theo hai tiêu chí sau: 
    • Năng lực học tập: có năng lực tốt, có thể tự học theo bài giảng mà không cần hỗ trợ thêm, và có năng lực hạn chế, cần hướng dẫn chi tiết.
    • Cách thức học tập: thích hoạt động nổi, đa dạng, kết hợp nghe, nhìn, thao tác, thích học thông qua chơi; thích các hoạt động tĩnh, tập trung vào các hoạt động viết, đọc, …

Cách đơn giản nhất đảm bảo mục tiêu học tập và đáp ứng các đối tượng học sinh khác nhau là thiết kế bài giảng theo các gợi ý trên hoclieu.vn nhưng có mở rộng, thay đổi hoạt động theo hướng hấp dẫn và sáng tạo, chú ý bổ sung các hướng dẫn thêm (dành cho học sinh cần hỗ trợ), thiết kế thêm một vài hoạt động nâng cao dành cho học sinh có năng lực tốt (dưới dạng liên kết trang đến hoạt động nâng cao).

Ở mức cao hơn, để bài giảng đạt mục tiêu và đáp ứng các yếu tố năng lực và cách học của các nhóm học sinh, các hoạt động học tập và đánh giá nên được phân hóa theo các nhóm học sinh, để học sinh có thể chọn các hoạt động phù hợp với cá nhân. Ví dụ, giáo viên sẽ thiết kế các hoạt động ở mức căn bản, sau đó giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện. Dựa trên kết quả học sinh thực hiện nhiệm vụ, giáo viên có thể liên kết đến trang Giải thích chi tiết và làm lại với học sinh chưa thực hiện nhiệm vụ được tốt, hoặc liên kết đến trang Trò chơi phần thưởng hoặc hoạt động nâng cao nếu học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ.

Phương pháp dạy-học-đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học

Phương pháp dạy-học-đánh giá là cách thức giáo viên thực hiện các hoạt động học và đánh giá theo một chuỗi logic, hấp dẫn và sáng tạo giúp học sinh đạt được mục tiêu học tập một cách hiệu quả thông qua cách sắp xếp trình tự hoạt động, qua cách giáo viên dẫn dắt, gợi ý, tìm hiểu năng lực học sinh bằng cách hỏi đáp, giao nhiệm vụ, đánh giá học sinh thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ học sinh. 

Ban giám khảo cho biết, trong số các sản phẩm dự thi gửi về, một số bài giảng đang xây dựng theo hướng chú trọng đến hoạt động dạy của giáo viên, yêu cầu học sinh học thụ động nghe và đọc theo nội dung giáo viên giảng và chiếu trên màn hình, không cho học sinh được tương tác với nội dung bài dạy. Hoặc, nếu cho học sinh tương tác nhưng không đưa ra thông tin phản hồi về kết quả thực hiện hoạt động/nhiệm vụ học tập. 

Để cải thiện vấn đề này, giáo viên cần chú trọng tạo cơ hội cho học sinh tham gia, tương tác tích cực với bài giảng điện tử. Thầy cô có thể tham khảo một vài gợi ý để học sinh tăng tương tác với nội dung bài giảng: 

  • Tương tác với bài giảng: chọn hoạt động, chọn câu trả lời, nhận được thông tin phản hồi,…
  • Tương tác với giáo viên: nghe hướng dẫn, giải thích, hỗ trợ từ giáo viên để thực hiện hoạt động học, đánh giá, chơi trò chơi, hát,…
  • Tương tác với bạn học khác: thông qua một số nền tảng online như trang padlet cho phép học sinh nộp bài và xem/nhận xét về bài làm của bạn khác, trang quizizz cho phép học sinh chọn bạn chơi trong các trò chơi ngôn ngữ; hoặc các trang game xếp hạng học sinh so với người học khác…

Ứng dụng công nghệ vào bài giảng điện tử

Công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong một bài giảng điện tử (E-learning). Việc áp dụng các phần mềm soạn bài giảng điện tử, sử dụng đa phương tiện và tích hợp các tính năng liên kết các trang trò chơi, bài tập, thu âm giọng nói, v.v., giúp bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Dưới đây là một số công cụ và phương pháp thường được sử dụng:

  • PowerPoint: PowerPoint là một công cụ phổ biến để thiết kế bài giảng điện tử. Nó cho phép bạn tạo các slide chứa hình ảnh, văn bản, âm thanh và video.
  • ISpring Suite: ISpring Suite là một phần mềm tích hợp với PowerPoint, giúp tạo ra bài giảng E-learning chất lượng cao. Nó hỗ trợ việc thêm bài kiểm tra, tạo khóa học trực tuyến và xuất ra định dạng SCORM.
  • Quizz Maker: Đây là công cụ giúp tạo các bài kiểm tra, câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận trong bài giảng điện tử. Quizz Maker giúp đánh giá hiệu quả học tập của người học.
  • Công cụ tạo video: Sử dụng các phần mềm như Camtasia, Adobe Premiere hoặc OBS Studio để tạo video bài giảng. Video có thể chứa giọng nói, hình ảnh và hiệu ứng đồ họa.
  • Công cụ tạo hình ảnh và đồ hoạ: Adobe Illustrator, Canva, hoặc các công cụ trực tuyến khác giúp tạo hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ và đồ hoạ cho bài giảng. 

Tựu chung lại, khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố trên, thể hiện ở việc bài giảng có nội dung tốt, được thực hiện theo tiến trình khoa học và hấp dẫn, hỗ trợ người học đạt mục tiêu học tập thông qua việc sử dụng công nghệ hiệu quả thì bài giảng điện tử được coi là xuất sắc.

Chúng tôi hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm từ cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh sẽ mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho các thầy cô giáo, giúp thầy cô sáng tạo ra những bài giảng điện tử hấp dẫn và hiệu quả hơn. Những kỹ năng tích lũy được từ sân chơi trí tuệ này sẽ không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn tạo ra môi trường học tập tương tác và sinh động hơn cho học sinh. Đồng thời, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào giảng dạy sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, giúp các em học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, chủ động và hiệu quả, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại. 

Cùng tiếp tục theo dõi https://giaoviensangtao.edu.vn/ để cập nhật những thông tin mới nhất về cuộc thi. 

Chia sẻ

Facebook